Những điều nên nhớ khi đi thuê nhà

Thứ Hai, 11/01/2016, 15:18 GMT+7

Không phải ai cũng có điều kiện sở hữu một căn nhà giữa thành phố đắt đỏ. Vì thế, việc thuê nhà càng trở nên phổ biến khi bạn muốn ra riêng, bắt đầu cuộc sống tự lập của hai vợ chồng hoặc cho bản thân mình.

Những điều nên nhớ khi đi thuê nhà

Bí quyết giúp bạn khi đi thuê nhà

Chắc hẳn bạn cũng biết nỗi khổ và những phiền toái mỗi khi phải tìm và dọn nhà từ chỗ này sang chỗ khác. Vì vậy, để không phải “liên tục chuyển chỗ”, bạn cần phải lập kể hoạch kỹ lưỡng trước khi thuê nhà.

Đặc điểm của ngôi nhà / căn hộ bạn muốn thuê

Muốn xác định được điểm mấu chốt đầu tiên này, bạn nên định hướng trong đầu cuộc sống của bạn trong vòng ít nhất 1 đến 2 năm sau. Nếu bạn muốn ở một mình để đi làm, đi học, bạn không nhất thiết phải tìm một căn hộ chỉ cho một người ở, bạn có thể tìm căn hộ nhiều phòng hơn hoặc nhà rộng hơn để có thể thuê chung với anh em họ hàng, hoặc bạn bè thân. Cuộc sống tự lập một mình rất thú vị, nhưng có những chuyện khẩn cấp mà không thể nhờ cậy gia đình thì người ở chung với bạn sẽ là mối liên hệ gần nhất.

Nếu vợ chồng bạn mới cưới và muốn ở riêng, bạn nên chú ý đến vấn đề con cái, điều đó có nghĩa là căn hộ hay nhà của bạn nên có ít nhất một phòng trống nữa. Đối với phương án này, giả sử vợ chồng bạn chưa có con, phòng trống đó có thể được em gái / em trai thuê lại hoặc để bố mẹ hai bạn có thể đến thăm. Tuy nhiên trường hợp này chỉ nên xem xét khi bạn có đủ điều kiện kinh tế để duy trì tiền thuê nhà.

Khả năng kinh tế của bạn

Thuê nhà hoàn toàn không giống việc bạn đi mua hàng hay thuê các dịch vụ khác bởi nó có tính lâu dài và nơi bạn cư trú liên quan đến pháp luật. Một kế hoạch chắn chắn sẽ giúp bạn xác định được những nhu cầu của bản thân mình, tránh rơi vào “mê hồn trận” của chủ nhà hay các trung tâm môi giới. Trước khi “xắn tay áo” đi tìm nhà, bạn cần xác định:

  • Thứ tự ưu tiên của ngôi nhà

Không có chuyện nhà tại trung tâm thành phố, rộng rãi, đẹp tại khu vực an toàn mà lại có giá rẻ nên bạn đừng mất công tìm kiếm một ngôi nhà như thế. Nếu có người đề nghị cho bạn thuê một ngôi nhà như thế, hãy suy nghĩ kỹ và rà soát xem có gì khuất tất như: nhà sang nhượng trái phép, nhà sắp giải tỏa,… hay không.

Bạn nên xác định mình có khả năng chi trả cho khoản thuê nhà hàng tháng là bao nhiêu. Từ đó, xác định tiếp là bạn cần nhà rộng hay vừa phải, gần hay xa trung tâm. Thông thường, những ngôi nhà rộng rãi trong nội thành có giá cho thuê rất cao, ngược lại nếu bạn chịu khó đi xa một chút rời khỏi những quận trung tâm, bạn có nhiều cơ hội tìm nhà như ý hơn. Nhưng nếu bạn chỉ cần một tổ ấm vừa phải và muốn giao thông phải thuận tiện, tiết kiệm thời gian đi lại, căn nhà cho thuê ở nội đô sẽ thích hợp.

  • Bạn có cần nội thất có sẵn hay không?

Ưu điểm của những căn nhà có sẵn nội thất là bạn chỉ cần xách va li đến ở nhưng chúng thường có giá đắt hơn nhiều so với nhà trống. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, nếu bạn làm hư hỏng rất có thể bạn phải bồi thường chi phí. Trong khi đó, bạn không thể nào xác định được rằng những món đồ nội thất đó đã tồn tại bao lâu, hết tuổi thọ hay chưa và rất có thể bạn phải trả những khoảng tiền vô lý.

Những điều nên nhớ khi đi thuê nhà
Tốt nhất là bạn nên tìm một căn nhà trống và từ từ làm đầy tổ ấm bằng chính đồ đạc của mình. Sau này khi đã có căn nhà của chính mình hoặc thuê nơi khác, bạn cũng có thể mang theo và tiếp tục sử dụng.

Vị trí, khu vực xung quanh ngôi nhà

Dù đã chọn được ngôi nhà ưng ý nhưng việc xem xét khu vực xung quanh cùng những người hàng xóm (nếu có) cũng rất quan trọng. Hãy tìm hiểu từ báo chí, internet, những người hàng xóm khu vực ấy có an ninh về đêm hay không. Việc này rất quan trọng để bảo vệ sự an toàn của bạn, tăng cường cảnh giác không bao giờ thừa.

Cẩn thận các trung tâm môi giới

Trung tâm môi giới nhà đất ra đời để giúp bạn tiết kiệm được thời gian và công sức đi tìm nhà. Tuy nhiên bạn cũng nên gạn đục khơi trong vì có rất nhiều trung tâm lừa đảo hiện nay. Hình thức hoạt động của những trung tâm này khá đơn giản, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người mắc bẫy chỉ vì muốn nhanh chóng tìm được căn nhà như ý.

Cụ thể, các trung tâm thường chào mời những ngôi nhà giá rẻ, phòng ốc đẹp, giá rất hời và sẽ thu phí khi đưa bạn đi xem nhà. Khi đến nơi, bạn sẽ không gặp được chủ nhà hoặc đúng là có căn nhà như thế như đã có người “nhanh chân” thuê trước. Bạn vừa mất phí, vừa tiếc hùi hụi vuột mất cơ hội thê được căn nhà như ý. Bạn nên hỏi kỹ, thỏa thuận rõ ràng các điều khoản như: thuê được nhà mới trả phí, phải gặp được đúng chủ nhà…

Thương lượng với chủ nhà

Nếu có thể, bạn hãy tự mình đối thoại trực tiếp với chủ nhà mà không cần thông qua trung tâm môi giới nhà đất. Trước tiên hãy xác định người bạn nói chuyện có đúng là chủ nhà không bằng vài mẹo đơn giản như: hỏi xem giấy tờ, giấy photo chủ quyền sử dụng nhà / căn hộ, hỏi về lịch sử ngôi nhà, những người hàng xóm, lý do cho thuê, yêu cầu của chủ nhà về người thuê nhà…

Lưu ý đến các hóa đơn điện nước. Nếu bạn thuê nhà dạng phòng theo từng block (khối) kiểu chung cư, bạn không có cách nào khác là phải tính giá điện nước theo lũy tiến và thường rất đắt. Tuy nhiên, nếu thuê nhà nguyên căn riêng biệt, bạn nên tìm những nơi tính theo giá quy định của nhà nước. Việc này rất quan trọng trong việc bạn phải chi trả tất cả các khoản dài lâu. Giá điện nước nên là những vấn đề đầu tiên được thảo luận khi bạn thương lượng với chủ nhà.

Ngoài ra, khi thuê nhà, chủ nhà thường sẽ yêu cầu bạn phải đặt cọc một khoản chi phí để làm tin và giữ lại khoản tiền này của bạn trong suốt thời gian thuê nhà. Vì thế, bạn hãy cố gắng thương lượng càng giảm tiền cọc càng tốt và không nên vượt quá số tiền một tháng thuê nhà của bạn.

Internet là một nơi rất tốt để bạn dễ dàng tìm kiếm thông tin thuê nhà thông qua các trang đăng tin quảng cáo BĐS. Tuy nhiên, bạn nên tỉnh táo, tham khảo giá cả thị trường và thận trọng với những chào mới quá hấp dẫn.

>> Xem thêm: Thuê nhà nguyên căn

Những tuyệt chiêu thuê nhà trọ giá rẻ của sinh viên

Nhiều sinh viên đã nghĩ ra những tuyệt chiêu độc đáo để có thể thuê nhà trọ vừa rẻ, tiện nghi đầy đủ lại tự do thoải mái và không bị phụ thuộc vào chủ nhà. Tìm được một chỗ ở trọ an toàn, thoải mái để có thể yên tâm học tập trong quãng đời sinh viên là mối quan tâm lớn của nhiều sinh viên. Đặc biệt, các bạn sinh viên luôn muốn thuê được những chỗ trọ có chi phí hợp lý để bớt gánh nặng tài chính cho bản thân và gia đình. Nhiều "tuyệt chiêu" đã được họ nghĩ ra để có thể thuê được nhà trọ tốt mà giá lại rẻ.

Thuê trọ kiểu “lệch giờ”

Nhiều sinh viên luôn tìm cách tiết kiệm tiền nhà trọ để giảm chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập xa nhà. Một cách khá độc đáo được không ít sinh viên áp dụng là tìm những bạn bè, đối tượng vừa đi học, đi làm trái ngược ca nhau để ở cùng.

Bạn Nguyễn Văn Lọc, sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự, đi làm cả ngày và chỉ ở nhà buổi tối. Vì vậy, Lọc tìm bạn cùng phòng có giờ giấc sinh hoạt lệch với mình là Nguyễn Văn Thành (đại học Thuỷ Lợi) và hai người bạn cùng lớp đi làm ca tối từ 21h tối đến 6h sáng để ở cùng.

Nếu bốn người ở một phòng 12m2 sẽ rất chật chội nhưng do thời gian học và làm việc lệch nhau nên thường chỉ tối đa có hai người ở phòng cùng một lúc nên vấn đề chật chội đã được giải quyết.

Việc nhiều người thuê chung một căn phòng cũng giúp tiền thuê nhà giảm xuống đáng kể. Căn phòng rộng 12m2 mà Lọc và ba người bạn bạn thuê có giá 1,2 triệu đồng/tháng nên tính ra mỗi người chỉ phải đóng 300.000 đồng cộng với tiền nước, tiền điện.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện tuyệt chiêu này cần phải có chủ trọ dễ tính hoặc khu trọ không ở cùng với chủ. Dù khéo sắp xếp nhưng cũng không thể tránh có lúc bốn người cùng ở trong phòng nên sẽ rất chật chội.

Thuê hẳn một tòa nhà 4 tầng

Nguyễn Văn Đô, sinh viên trường ĐH Hà Nội, thì không thích chiêu thuê trọ “lệch giờ” như ở trên. Cậu cùng ba người bạn đã thuê hẳn một căn nhà 4 tầng tại Phùng Khoang (Hà Nội). Sau đó, Đô gọi các em hoặc bạn bè cùng quê tới ở cùng.

Căn nhà 4 tầng Đô thuê trọn gói có tới 15 người cùng ở. Tất cả các tiện nghi có đầy đủ: điều hòa, máy giặt, tủ lạnh... Đô cho biết: “Thuê cả khu nhà sẽ tiết kiệm được tiền nước, điện, mạng Internet, tiền vệ sinh bởi tất cả đều tính theo hộ gia đình chứ không tính cao như phòng trọ cho thuê đơn lẻ”.

Căn nhà cậu và nhóm bạn thuê có giá 5 triệu đồng/tháng. Tính trung bình, một người chỉ mất 500.000 đồng/tháng gồm cả tiền nhà và tiền điện nước sinh hoạt. Hơn nữa, do ở chung nên tiền ăn hàng tháng cũng rẻ hơn rất nhiều.

Đô cho hay: “Mình phân công công việc sinh hoạt, dọn vệ sinh cho từng người. Đến phiên ai người đó sẽ phải làm. Thường thì cứ hai người nấu ăn trong 2 ngày rồi thay phiên nhau. Vấn đề an ninh cũng yên tâm bởi toàn là bạn bè, anh em cùng quê nên không bị mất trộm bao giờ”.

Bạn cùng phòng Đô cho biết: “Ở như thế này thoải mái, đầy đủ tiện nghi lại rẻ. Nhưng do số lượng người đông nên nhiều khi cũng hơi bất tiện. Mọi người cũng ý thức phải tôn trọng không gian riêng cho nhau nên ít khi mời bạn bè về đây tổ chức ăn uống hay liên hoan”.

Những điều nên nhớ khi đi thuê nhà

Tự làm “ông chủ”

Một chiêu thuê trọ giá rẻ khác được coi là phiên bản nâng cao của cách thuê trọn gói một căn nhà, đó là một số bạn bỏ tiền ra thuê nhà rồi đứng lên làm chủ cho người khác thuê. Để thực hiện được cách này, “ông chủ” sinh viên cần tự bỏ ra một khoản tiền khá lớn để thuê trọn gói một căn nhà nhưng sau đó có thể kiếm lời từ việc cho thuê lại.

Như trường hợp của sinh viên Nguyễn Văn Lâm (Đại học Công nghiệp Hà Nội), khi nghe chị họ nói có người bạn muốn cho thuê lại căn nhà 3 tầng ở khu Cổ Nhuế với giá 5 triệu đồng, Lâm bỗng nảy ra ý định thuê lại căn nhà và kinh doanh phòng trọ.

Căn nhà 3 tầng Lâm thuê, mỗi tầng rộng chừng 30m2, chia làm 6 phòng tất cả, nằm trong ngõ nên rất yên tĩnh. Lâm cho bạn bè thuê lại, nếu còn trống phòng thì treo biển cho sinh viên thuê.

Hàng tháng, các phòng trả tiền cho Lâm. Trừ đi 5 triệu tiền thuê cho chủ nhà trọ xịn, còn lại là tiền lãi Lâm được hưởng.

Lâm chia sẻ: “Tính ra, mỗi tháng mình không những không mất tiền thuê phòng mà còn lãi được hơn 5 triệu đồng”.

Tuy nhiên, kinh doanh nhà trọ cũng không hề đơn giản. Làm ông chủ như Lâm nhiều khi cũng rơi vào cảnh điêu đứng. “Có lần 3 phòng đồng loạt chuyển đi, phòng để trống hai tháng sau mới có người chuyển đến. Phòng để trống, mình không lời lãi được gì mà vẫn phải trả 5 triệu tiền thuê nhà hàng tháng ”, Lâm cho biết.

Nguồn: http://thuenhanguyencan.com/nhung-dieu-nen-nho-khi-di-thue-nha-104.html

Tags: mẹo thuê nhà, thuê nhà, nhà thuê, kinh nghiệm thuê nhà, sinh viên
CongTyInNhanh.vn / Bài viết có ích
Tags: mẹo thuê nhà, thuê nhà, nhà thuê, kinh nghiệm thuê nhà, sinh viên
CongTyInNhanh.vn / Bài viết có ích

In tờ rơi

In tờ rơi màu
In tờ rơi màu (20/12/2017 15:30)